Trong công tác
thanh niên, ngoài những hội thi hùng biện, thuyết trình, kể chuyện thường dành
cho cá nhân còn có những hội thi khác dành cho các tập thể, nhóm nhỏ như thi đố
kiến thức, đố vui, hái hoa dân chủ, trắc nghiệm kiến thức, và hiện nay có những
loại hình đang được cơ quan thông tin đại chúng áp dụng rộng rãi, thu hút nhiều
người quan tâm như Vui để học, Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu... Để
tổ chức được các loại hình trên ta cần thực hiện các việc sau đây.
I. Công tác chuẩn bị:
- Xác định rõ mục đích ý nghĩa và yêu cầu của từng cuộc thi cụ thể (vì sao
phải tổ chức? Tổ chức để làm gì?... ), các yêu cầu cụ thể với Ban tổ chức, đối
tượng chơi?
- Các nội
dung cần có trong cuộc thi
(thể hiện mục đích cần đạt được), nội dung chính, nội dung phụ, nội dung giáo
dục, vui chơi giải trí, nội dung thử thách, gợi ý thông minh…
- Hình thức, quy mô, tính chất cuộc
thi:
· Chọn hình thức (loại hình cụ thể).
· Hình thức qua trang trí, màu cờ, sắc
áo…
· Hình thức nhóm nhỏ, nhóm lớn, cá nhân.
· Quy mô cuộc thi: dự kiến cách thức tổ
chức tầm cỡ nào? Người dự, người xem, lực lượng cổ vũ, trang trí…
· Tính chất cuộc thi: đối kháng thế nào,
trực tiếp, gián tiếp, vui tươi nhẹ nhàng hay căng thẳng.
- Thời gian: cuộc thi diễn ra trong bao lâu, mấy
vòng, có thời gian cho chuẩn bị không hay chỉ là ứng xử (tức sử dụng vốn kiến
thức có sẵn).
- Địa điểm cuộc thi: nơi nào? Có
quá lợi thế cho một lực lượng tham gia không? Khán giả của ai?
- Phương tiện phục vụ cuộc thi:
trang trí, bàn ghế, chỗ ngồi (người thi, người xem, đại biểu), dụng cụ, ánh
sáng, đèn màu, bảng, nhạc, quần áo, dụng cụ cổ động, hoa, quà tặng, quà thưởng,
câu hỏi…
- Soạn nội quy, điều luật thi: soạn càng kỹ, càng ít bị tranh cãi.
- Khen thưởng cá nhân và tập thể khi thi.
- Ban tổ chức cuộc thi: Ban tổ chức, Ban giám khảo, Ban trật
tự, hậu cần, âm thanh ánh sáng, bộ phận phục vụ cụ thể lúc thi, người dẫn
chương trình. Nên phân công cụ thể từng thành viên với từng loại công việc.
- Chuẩn bị kinh phí tổng thể.
II. Viết kế hoạch:
- Viết kế hoạch (từ các
ý của việc chuẩn bị, cần hình thành kế hoạch chi tiết cho cuộc thi như: mục
đích yêu cầu, nội dung cuộc thi, chủ đề, địa điểm, thời gian, đối tượng…).
- Lên chương trình chi
tiết: khi viết kế hoạch, việc lên chương trình chi tiết là rất quan trọng vì
khi cuộc thi diễn ra, ta phải căn cứ vào đó để tuần tự thực hiện (nếu được thì
nên biến chương trình chi tiết thành kịch bản càng tốt). Lập bảng phân công cụ
thể từng công việc cho Ban tổ chức (kể cả việc chuẩn bị đến khi tiến hành và
kết thúc toàn bộ cuộc thi).
- Dự trù kinh phí chi
tiết (tránh để thiếu hoặc mọi hiện tượng phát sinh).
- Nêu biện pháp và tiến
độ thực hiện (gắn công việc chuẩn bị, kiểm tra với thời gian cụ thể mà Ban tổ
chức và các bộ phận phải hoàn thành, cách thức hoàn thành).
III. Phổ
biến:
- Sau khi hoàn thành kế hoạch cần báo
lãnh đạo, các bộ phận, đại diện người chơi để nghe góp ý.
- Từ góp ý của các bộ phận, ta xem xét
bổ sung và hoàn chỉnh lại toàn bộ kế hoạch.
- Phổ biến kế hoạch đến lãnh đạo (để báo
cáo), người thi (để biết thực hiện)…
- Kiểm tra tiến độ, chốt danh sách, lực
lượng, thời gian ra thông báo bổ sung (nếu có), nhắc nhở tiến độ (khi cần
thiết).
- Tập dợt các nội dung khi cần thiết.
IV. Tiến
hành cuộc thi:
Khi tiến hành cuộc thi cần chú
ý các việc sau:
- Theo đúng trình tự chương trình đã có
mà thực hiện (đây là nội dung đã được duyệt, được người thi chấp nhận và đã
chuẩn bị từ trước).
- Ban tổ chức cần có bộ phận thường trực
để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh, khi xử lý cần bám vào lực
lượng lãnh đạo các đoàn trên quan điểm tất cả vì sự thành công chung của cuộc
thi.
- Về hình thức cần tạo không khí thoải
mái, nhẹ nhàng vui tươi sinh động nhưng đừng quên nội dung giáo dục; cần tập
trung nhiều cho phần khai mạc, bế mạc.
- Cần chọn người dẫn chương trình cho
phù hợp với từng loại hình cụ thể. Nếu nặng về kiến thức thì mời người có kiến
thức, nếu nặng về giải trí thì mời người có khiếu hài hước để cuộc thi luôn
sinh động.
- Các nội dung thi, các câu hỏi phải
được soạn kỹ cả phần hỏi lẫn phần đáp, được duyệt kỹ trước khi đem ra sử dụng.
Các dạng câu hỏi (kín, mở…) phải được thống nhất chung.
- Ban tổ chức, ban giám khảo… cần chọn
người có uy tín cao, các bộ phận phục vụ phải là người thạo việc.
- Sau khi xong phải thu hồi đầy đủ các
vật dụng, quyết toán kinh phí. Cuối cùng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm công
tác tổ chức, lắng nghe từ nhiều phía (Ban tổ chức, các bộ phận, người thi, khán
giả, ủng hộ viên…) để lần sau tổ chức tốt hơn.
V. Một số loại hình hay tổ chức:
1. Hội
thi thuyết trình:
* Khái niệm:
- Hội thi thuyết trình thường
được tổ chức để tuyên truyền về chủ trương chính sách, nghị quyết của Đảng,
tuyên truyền về một nội dung giáo dục mà tổ chức Đoàn muốn định hướng cho đoàn
viên, thanh niên.
- Đây là hình thức thi thường được sử
dụng trong trường hợp đối tượng dự thi là cá nhân.
* Yêu cầu:
- Lựa chọn nội dung thi phù
hợp với từng đối tượng tham gia là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của
hội thi. Bởi mỗi đối tượng khác nhau sẽ có sự quan tâm về các vấn đề khác nhau.
Tìm hiểu đúng vấn đề mà đoàn viên, thanh niên quan tâm sẽ thu hút được sự tham
gia đông đảo và có chất lương của đoàn viên thanh niên.
- Mời ban giám khảo là người
am hiểu và có uy tín về nội dung của hội thi để có sự đánh giá chính xác, khách
quan về chất lượng, kết quả của người dự thi, cũng như kịp thời có sự điều
chỉnh, định hướng các nhận thức chưa đúng của người dự thi.
2. Hội
thi hùng biện:
* Khái niệm:
- Hội thi hùng biện thường được sử dụng
nhằm mục đích nắm tình hình diễn biến tư tưởng, nhận thức chính trị của đoàn
viên, thanh niên đối với một vấn đề chính trị xã hội cụ thể, từ đó có sự điều
chỉnh, định hướng kịp thời. Chính vì vậy, hội thi hùng biện bao giờ cũng được
giới hạn ở một nội dung, một vấn đề cụ thể, nhất định.
- Tương tự như hội thi thuyết trình,
hình thức này cũng thường được sử dụng với đối tượng dự thi là cá nhân.
* Yêu cầu:
- Yêu cầu đặt ra đối với
công tác tổ chức hội thi hùng biện là việc lựa chọn đề tài hùng biện phù hợp
với mục đích và đối tượng của hội thi. Đề tài hùng biện phải là vấn đề chính
trị - xã hội nóng bỏng mà đoàn viên, thanh niên đang quan tâm, thu hút được sự
quan tâm, tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên. Nếu không đảm bảo yêu
cầu, tổ chức Đoàn sẽ không nắm được diễn biến tư tưởng, cũng như nhận thức của
đoàn viên, thanh niên đối với các vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng, từ đó sẽ
không có định hướng kịp thời.
Cần mời ban giám khảo là những người có uy tín trong xã hội để đảm bảo sự khách
quan trong kết quả hội thi cũng như kịp thời định hướng cho đoàn viên, thanh
niên nếu thí sinh dự thi có biểu hiện lệch lạc về nhận thức.
3. Tổ
chức thi đố kiến thức:
* Khái niệm:
Thi đố kiên thức là một hình
thức giáo dục sinh động, phong phú và hấp dẫn. Có nhiều cách thức tổ chức thi
đố vui kiến thức khác nhau như: đố vui, trắc nghiệm, hái hoa dân chủ, một số
hình thức mới như: chiếc nón kỳ diệu, đường lên đỉnh Olympia, hành trình văn hóa, vui để học. Tuỳ
theo đối tượng cụ thể và điều kiện tổ chức mà chúng ta lựa chọn hình thức thi
đố kiến thức cho phù hợp.
* Yêu
cầu
Tổ chức thi đố kiến thức cũng
cần xác định giới hạn nội dung trong một lĩnh vực nhất định, ví dụ: hội thi tìm
hiểu nghị quyết Đại hội Đảng lần IX, Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần VII,
hội thi tìm hiểu về một văn bản pháp luật (luật lao động, luật phòng chống ma
túy, luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, luật an toàn giao thông đường bộ).
Lưu ý: khi sử dụng hình thức tổ chức hội thi, các cơ sở Đoàn
cũng có thể kết hợp các hình thức nói trên để tạo sự phong phú hấp dẫn cho hội
thi. Ví dụ: như kết hợp thi đố kiến thức với thi hùng biện hoặc thi thuyết
trình. Trong trường hợp này, những người hùng biện hay thuyết trình vẫn là
những cá nhân nhưng họ sẽ đại diện cho tập thể để trình bày về nội dung thi và
đó là ý kiến tập thể mà họ đại diện.
(Theo website Tỉnh đoàn Quảng Trị)