Cam Lộ là một vùng đất giàu truyền
thống yêu nước và cách mạng, với vị thế núi non, sông suối và tấm lòng son của
đồng chí, đồng bào mà đã trở thành phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn.
Hai lần từng là thủ phủ quốc gia đó là sơn phòng Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi dựng
cờ, ban Chiếu Cần Vương chống Pháp; thành huyện Cam Lộ - nơi Chính phủ Cách
mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đặt trụ sở làm việc và đón tiếp các
nguyên thủ quốc gia trên thế giới thời chống Mỹ.
Hình 1: Toàn cảnh Đền tưởng niệm Vua Hàm Nghi và các chiến sĩ Cần Vương được xây dựng tại di tích quốc gia Tân Sở.
Mảnh đất Cam Lộ thân yêu đã để lại biết
bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và
trong hoà bình xây dựng. Ai có dịp làm một cuộc bộ hành lên đỉnh cao 544
(Fuler) để nhìn ngắm quê hương Cam Lộ sau chiến tranh, dọc dài theo hai bên
đường 9 là cả một bài ca về sự hồi sinh, đắp đầy mơ ước của những con người vừa
thoát ra khỏi đạn bom, trận mạc; từ trên đó, hình dung loạt cứ điểm được xem là
“Con mắt thần” của hàng rào điện tử Macnamara. Đồi 241 (Carol), nơi cả trung
đoàn bộ binh nguỵ cúi đầu xin hàng quân giải phóng (1972). Hồ Khế, Động Toàn,
Đồi Không Tên, Tân Kim, Đá Mài …những địa danh ghi dấu bao chiến tích thể
hiện quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của chiến sĩ và nhân dân Cam Lộ. Những
địa danh ấy mãi khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào cả nước, là nơi luôn lay
động tâm hồn của các cựu chiến binh (cả hai phía) hoài niệm về chiến trường xưa,
nao nức có được những lần về thăm lại !.
Cam Lộ là địa bàn có nhiều tuyến giao
thông quan trọng đi ngang qua: Quốc
lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường
9, tuyến hành
lang kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á từ Lào về cảng
Cửa Việt.
Vị trí địa lý: Huyện Cam Lộ nằm ở khu vực giữa của tỉnh
Quảng Trị, Phía bắc giáp huyện Gio Linh; phía nam giáp huyện Triệu Phong; phía
đông giáp thành phố Đông Hà; phía Tây giáp huyện Đakrông.Huyện Cam Lộ
hiện nay gồm 7 xã và 1 thị trấn: xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Tuyền,
Cam Hiếu, Cam Thủy, Thanh An và thị trấn Cam Lộ.
Hình 2: Bản đồ hành chính huyện Cam Lộ
Diện tích tự nhiên của huyện Cam Lộ là
367,4 km2, chiếm 8% diện tích tỉnh Quảng Trị. Dân số khoảng hơn 50
nghìn người, trong đó có khoảng 300 người Bru - Vân Kiều, số còn lại là người
Kinh.
Cam Lộ là cửa ngỏ phía tây và phía bắc
của thành phố Đông Hà - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh Quảng
Trị. Địa bàn Cam Lộ nằm trên giao điểm của nhiều tuyến giao thông quan trọng đi
qua gồm: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9 - tuyến đường liên Á nối Việt
Nam - Lào - Thái Lan và các nước trong khu vực. Hiện nay, Cam Lộ là địa phương
có dự án Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng
Trị và dự
án Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng đi qua đang được xây dựng.
Huyện Cam Lộ
đến nay có 32 di tích và danh thắng, trong đó: 02 di tích quốc gia và 30 di
tích cấp tỉnh. Trong đó có các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như: Căn cứ
Tân Sở Trụ sở Chính Phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/1973 -
5/1975), Khu Đình làng và chợ Phiên Cam Lộ,Đồi 241 (Carol), Mộ Khóa Bảo Nguyễn
Hữu Đồng...
Hình 3: Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam
Ở huyện Cam Lộ
có vùng Cùa nổi tiếng. Cùa là tên gọi từ xưa, nghe âm vang chất dân dã và hoang
vu, còn trên bản đồ hành chính, đây là địa bàn hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa.
Từ ngã ba quốc lộ 9 vào Cùa, ngày xưa là con đường đất đỏ, giữa cằn cỗi gió
nắng, đất xứ Cùa lại mỡ màu với những vườn cây trái, Vào tới trung tâm vùng Cùa
sẽ thấy bóng tán mít vây bọc những vuông vườn dâu da, cam, bưởi, ổi. Từ xa
xưa, vùng đất Cùa được xem là xứ hồ tiêu và nức tiếng với các loại sản vật như
mít ngọt, chè xanh, măng khô, mộc nhĩ...
Hình 4: Một vùng chè cổ thụ ở xã Cam Chính.
Đặc sản Cam Lộ có tiêu của, cao chè vằng, tinh
bột nghệ, dầu lạc…
Hình 5: Dầu Lạc (Đậu phộng) Nguyên Chất Super Green Từ Phong - Sản phẩm chuẩn OCOP