Ðồi 241 là một ngọn đồi bằng phẳng chạy
theo hướng Tây bắc - Ðông nam, có độ cao 241m so với mực nước biển; thuộc địa
phận xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ; cách trụ sở UBND huyện Cam Lộ 7km về hướng Tây
nam. Trên ngọn đồi này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội Mỹ đã cho xây
dựng ở đây thành một căn cứ quân sự mạnh trong hệ thống phòng thủ chiến lược
Bắc Quảng Trị nên có tên gọi là căn cứ 241 hay còn gọi là căn cứ Carol.
Hình 1: Căn cứ điểm Camp Carroll - Cao điểm 241 nhìn từ trên cao
Cứ điểm 241 nằm trong hệ thống phòng
ngự của tuyến hàng rào điện tử Mc.Namara và là một cao điểm án ngữ phía trên
tuyến hành lang chiến lược đường 9, có vị trí hết sức quan trọng được Mỹ - ngụy
bắt đầu xây dựng từ cuối năm 1966. Ðây là một trong ba căn cứ được bố trí trọng
pháo 175ly, được mệnh danh là “vua chiến trường”.
Hình 2: Vị trí quan trọng của Cứ điểm 241
Từ tháng
2/1967, Mỹ - ngụy huy động sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ và 2 chiến đoàn Mỹ
được phiên chế thành 7 pháo đội, gồm 40 khẩu pháo 105mm, 155mm và 8 khẩu 175mm
đến đóng chốt ở đồi 241 và biến khu vực này thành một căn cứ pháo binh có hỏa
lực mạnh trên chiến trường Quảng Trị. Hệ thống hầm hào, công sự, lô cốt trong
căn cứ rất kiên cố với lượng đạn dự trữ nhiều vào bậc nhất. Từ cao điểm 241, Mỹ
- ngụy có thể khống chế toàn bộ tuyến đường 9 - Khe Sanh, cả khu vực hành lang
Nam vĩ tuyến 17; phối hợp chi viện bảo vệ căn cứ Ái Tử - thị xã Ðông Hà, thị xã
Quảng Trị.
Năm 1967, nắm bắt thời cơ khi Mỹ - ngụy
chưa kịp ra quân để mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ ba, các lực
lượng vũ trang quân khu 4 và bộ đội chủ lực đã huy động trung đoàn 84B hỏa tiển
ÐKB vượt sông Bến Hải phối hợp với các phân đội hỏa tiển 46, cối 120mm, 82mm
của trung đoàn 164 pháo binh (QK4) và sư 324 bộ binh tiến đánh căn cứ 241. Ðêm
6 và rạng ngày 7/3/1967, pháo binh ta dồn dập bắn hơn 100 quả đạn vào căn cứ.
Kết quả, lực lượng ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.400 tên Mỹ, phá hủy 80% căn cứ
địch, trong đó có 22 khẩu pháo lớn và 35 xe quân sự.
Sau những thất bại thảm hại trên chiến
trường miền Nam, từ năm 1968, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” dùng quân chủ
lực ngụy công với hỏa lực Mỹ để giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tại
căn cứ 241, quân ngụy bố trí một tiểu đoàn bộ binh đóng giữ và là nơi đóng sở
chỉ huy của trung đoàn 56. Nhận thấy đây là một vị trí chiến lược vô cùng quan
trọng, đầu năm 1972, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu trong chuyến
thị sát quân khu I - vùng I chiến thuật đã trực tiếp đến thăm và động viên binh
sĩ ngụy.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị
năm 1972, sau khi tiêu diệt các căn cứ, đồn bốt vòng ngoài 544 - Ba Hồ - Ðộng
Toàn... lực lượng quân giải phóng thuộc trung đoàn 24, sư đoàn 304 thừa thắng
xông lên xiết chặt vong vây và mãnh liệt tấn công vào cao điểm 241 và căn cứ sở
chỉ huy của trung đoàn 56 ngụy. Toàn bộ cao điểm với lực lượng tinh nhuệ được
trang bị vũ khí hiện đại đã phải bó tay, gục đầu dưới làn mưa bom, bão đạn của
quân giải phóng. Ðúng12 giờ 45 ngày 2/4/1972, cứ điểm 241 đã bị tê liệt hoàn
toàn. Khiếp đảm vì hỏa lực của quân giải phóng và bị bao vây, toàn bộ quân ngụy
trong căn cứ gồm chỉ huy, cơ quan tham mưu trung đoàn cùng một tiểu đoàn bộ
binh và đơn vị trực thuộc do trung tá trung đoàn trưởng Phạm Văn Ðính, thiếu tá
trung đoàn phó Vinh Phong cầm đầu phải chấp nhận đầu hàng.
Chiến thắng căn cứ 241 là một thắng lợi
có ý nghĩa hết sức to lớn, làm cho binh lính ngụy Sài Gòn hoang mang lo sợ và
tạo bàn đạp thuận lợi để quân giải phóng tiến lên tiêu diệt hệ thống phòng thủ
chiến lược Bắc Quảng Trị, hoàn thành xuất sắc chiến dịch tấn công giải phóng
Quảng Trị năm 1972.
Tháng
9/1973, khi chiến trường Quảng Trị vẫn còn nồng mùi thuốc súng, từ bên kia bán
cầu, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng đất vừa được giải phóng của tỉnh
Quảng Trị.
Hình 2: Chủ tịch Fidel Castro thăm chiến trường Quảng Trị, tháng 9-1973.
Trong chuyến thăm Quảng Trị, Chủ tịch
Fidel Castro vượt qua Dốc Miếu, nơi có hàng rào điện tử Mc. Namara để đến thăm
Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 và đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Tại Cao điểm 241 hay còn gọi là căn cứ Carol
ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo, quân và dân Quảng Trị chứng kiến hình ảnh Chủ
tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt
Nam. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Fidel: “Vì
Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” trở thành một trong
những biểu tượng trong quan hệ giữa hai nước.
Sau chuyến thăm này, Cuba đã giúp Việt Nam xây
dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Hới, Khách sạn Thắng Lợi, cử chuyên gia xây dựng
tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cũng như nhiều công trình khác…
Chuyến thăm của
Chủ tịch Fidel Castro đã mang đến cho nhân dân Việt Nam tình đoàn kết, sự ủng
hộ quý báu của đất nước và nhân dân Cuba, những người bạn tuy cách xa nửa vòng
trái đất nhưng gần gũi như anh em trong nhà. Sự có mặt bất chấp hiểm nguy, gian
khổ của Tổng Tư lệnh Fidel trên đất lửa Quảng Bình, Quảng Trị là sự cổ vũ, động
viên to lớn đối với cuộc đấu tranh của đồng bào, chiến sỹ miền Nam cũng như cả
nước.
Chuyến thăm lịch sử này trước hết để
tôn vinh mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt
Nam - Cuba. Trong thời kỳ khó khăn nhất của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
của Việt Nam, Cuba đã luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ nhân dân Việt
Nam. Cho đến nay, quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác đó vẫn không hề thay
đổi như lãnh tụ Fidel Castro từng nói: “Quan
hệ Việt Nam - Cuba là một mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu
của quan hệ quốc tế”.
Hiện nay, trên khu căn cứ này được phủ một màu
xanh bạt ngàn của hồ tiêu. Từ tháng 7/1992, kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng
Quảng Trị, Xí nghiệp hồ tiêu Tân Lâm đã dựng một bia đài chiến thắng ngợi ca
tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong cuộc tiến công giải phóng
Quảng Trị năm 1972.
Hình 3: Các em học sinh đến thăm và giới thiệu về truyền thống lịch sử tại Bia đài chiến thắng Căn cứ 241