Tân Sở (vùng
đất mới) nằm giữa một bình nguyên đất đỏ bazan có tên gọi là vùng Cùa. Tân Sở
nằm trong địa bàn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ; cách trung tâm huyện lỵ
Cam Lộ 10km về phía Tây nam.
Di tích Căn cứ
Tân Sở đã được Bộ VHTT xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-BVHTT ngày 16
tháng 01năm 1995. Đây không chỉ là một di tích thành lũy quân sự cuối cùng của
triều đại phong kiến nhà Nguyễn, một địa điểm lịch sử ghi dấu những sự kiện
quan trọng của phong trào Cần vương chống Pháp đầu thế kỷ XX mà còn
là một di chỉ khảo cổ học có ý nghĩa đối với khu vực miền Trung.
Hình 1: Bia Di tích thành Tân Sở
Bình nguyên Cùa
(mà Tân Sở là trung tâm) nằm kẹp giữa hai con sông lớn là Hiếu Giang và Thạch
Hãn. Nó được coi là thềm bậc 2 của 2 con sông này qua đèo Cùa ở phía Bắc và qua
đèo 365 ở phía Tây Nam. Bao quanh bốn phía là các đỉnh núi, cao điểm tạo ra hàng
rào tự nhiên che chắn và án ngự làm cho địa hình vùng này có những ưu thế đặc
biệt về địa lý và có vai trò quan trọng về chiến lược quân sự. Phía Nam của Cùa
là đỉnh động Ho; phía Bắc là đỉnh Chọp bụt; phía Tây nam là động lở (cao điểm
241 hay Carol); phía Tây là động Toàn và Ba Hồ; phía Đông là dãi đồi thấp như
là một vách ngăn giữa Cùa và Cam Lộ. Chính địa hình này đã làm cho Cùa trở
thành một phức thể bao gồm các đồi đất đỏ tròn, bằng bị xâm thực nhẹ bởi các
dòng khe uốn lượn và đổ xuống hai dòng Thạch Hãn, Hiếu giang. Không gian này
tương đối thuận lợi về nhiều mặt để người Nguyên thủy từ xa xưa có thể sử dụng
làm địa bàn cư trú và sinh sống.
Tân Sở cũng là
một vùng hết sức kín đáo biệt lập với đồng bằng và xa cách với trung tâm các lỵ
sở, rất thuận tiện cho việc xây dựng một căn cứ kháng chiến. Ba mặt Tây, Nam,
Bắc đều dựa vào các dãy đồi núi tự nhiên tạo ra như một vòng thành khép kín.
Mặt phía Đông hướng ra đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng rất thuận lợi cho việc
giao lưu với miền xuôi. Ngoài ra Tân Sở còn có hai con đường thượng đạo dẫn qua
Lào (qua đèo 365) và ra Bắc (đèo Canon) thuận lợi cho
việc trấn giữ cũng như rút lui. Vì vậy qua nhiều thời kỳ nơi đây đã trở thành
một lỵ sở cai trị của chính quyền quân chủ phong kiến: trước năm 1867 nó là đồn
trấn ải biên giới, đến năm 1867 được đổi thành Nha sơn phòng/Sơn phòng Quảng
Trị. Năm 1883 khi Pháp đánh chiếm Thuận An thì đổi thành căn cứ Tân Sở hay còn
gọi là thành Tân Sở.
Từ năm 1858,
đất nước Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây
mà trực tiếp là thực dân Pháp. Triều đình nhà Nguyễn sau một thời gian tổ chức
chống cự yếu ớt đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác, chấp nhận cắt đất,
bán rẻ chủ quyền dân tộc cho người Pháp. Trong nội bộ triều đình yếu hèn, bạc
nhược của nhà Nguyễn nổi lên phái chủ chiến, kiên quyết đánh Pháp đứng đầu là
Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường.
Năm 1883, trước sự uy hiếp của quân đội Pháp, Huế không còn là kinh đô an toàn
cho vua quan nhà Nguyễn. Đứng trước nguy cơ mất nước, kinh thành bị uy hiếp,
phái chủ chiến của triều đình đã bí mật tổ chức sơn phòng ở các tỉnh để chuẩn
bị kháng chiến lâu dài. Trong bối cảnh đó, một kinh đô dã chiến đã được khẩn
trương xây dựng ở Quảng Trị để làm nơi trú ẩn cho vua và triều thần kinh thành
hữu sự. Đó là sơn phòng Quảng Trị/căn cứ Tân Sở/thành Tân Sở.
Căn cứ Tân Sở
được khởi công xây dựng từ 1883, đến năm 1885 thì cơ bản hoàn thành. Dưới sự
chỉ đạo của các vị quan đứng đầu phái chủ chiến như: Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất
Lệ, Đăng Duy Cát, hàng ngàn binh lính, dân phu từ các địa phương được huy động
để đào đắp miệt mài suốt ngày đêm.
Hình 2: Mô phỏng Di tích thành Tân Sở
Qua tư liệu của
các học giả người Pháp như Pirey, Delvaux và những nhà nghiên cứu Việt Nam cũng
như qua khảo sát thực thì có thể thấy thành Tân Sở được cấu trúc theo 2 vòng
thành. Thành ngoài có hình chữ nhật chiều dài 548m, chiều rộng 418m, tổng diện
tích là 22,9ha. Bốn phía có 4 cửa: Tiền, Hậu, tả, Hữu. Các bờ lũy
đắp bằng đất nện chặt, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao
quanh (hào sâu 2m rộng 10m). Bốn phía xung quanh cửa thành được trồng tre đan
kín. Tất cả có 4 hàng tre ken dày, bờ tre ngoài cách bờ tre thứ hai 21m, bờ tre
thứ 2 cách bờ tre thứ ba 13m, bờ tre thứ ba cách bờ tre thứ tư 5m. Giữa các bờ
tre là lớp tường thành đắp bằng đất nện chặt. Ở 4 góc thành có 4 giếng nước sâu
20m dùng để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại
lính, kho hậu cần, bãi tập trận của voi, ngựa. Ở góc thành phía cổng tiền, hữu
có bố trí các đồn bốt quan sát từ xa gọi là lính vọng cơ. Góc thành ở cổng
tiền, tả có các trại lính làm nhiệm vụ trực chiến, bảo vệ gọi là lính phòng
thành. Ở 4 góc đều có các ụ súng đại bác hướng ra 4 phía để bảo vệ thành
nội.
Thành nội được
xây dựng bằng gạch vững chắc. Chiều dài thành là 165m, rộng 100m, tổng diện
tích là 1,65ha. Nội thành có 5 cửa: tiền, hậu, tả, hữu và cửa Ngọ môn dành cho
vua và các quan ra vào hành cung. Trong thành nội có các khu nhà kiên cố dùng
cho vua và các quan làm việc như: Tiền đường, Bang tá, Lãnh binh, Chánh sứ, Phó
sứ. Trước ngày kinh thành Huế thất thủ, một khối lượng lương thực, vũ khi, vàng
bạc đã không ngừng được vận chuyển lên căn cứ Tân Sở.
Sau sự kiện
binh biến đêm mồng 4/7/1885 (23/5 năm Ất Dậu) tại Kinh Thành Huế do phái chủ
chiến tiến hành đánh úp Pháp bị thất bại, Tôn Thất Thuyết rước vua và đoàn tùy
tùng phò xa giá Hàm Nghi ra Tân Sở để thực hiện kế hoạch kháng chiến theo như
những dự tính từ trước. Sáng sớm ngày mồng 5/7/1885, ngự đoàn rời kinh thành để
ra Quảng Trị. Chiều mồng 6/7/1885, vua và ngự đoàn đến Quảng Trị. Xa giá ngủ
đêm trong hành cung Quảng Trị. Sáng mồng 9/7/1885, ngự đoàn gồm Hàm Nghi, Tôn
Thất Thuyết và những người tùy tùng lên đường đến Tân Sở.
Tại Tân Sở,
ngày 13/7/1885 (1/6/Ất dậu), thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch
Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Từ đó Tân Sở trở thành trung tâm
dấy nghĩa phong trào Cần Vương, linh hồn của phong trào yêu nước chống Pháp.
Hưởng ứng hịch Cần Vương, khắp nơi trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của các văn
thân, sĩ phu yêu nước nhân dân đã nổi dậy đánh Pháp, phong trào phát triển kéo
dài cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Ở Quảng Trị, hưởng ứng lời hiệu triệu Cần
Vương, hàng ngàn nghĩa binh chiêu mộ từ các làng xã đã được đưa lên Tân Sở. An
Sát Quảng Trị là Tôn Thất Nam đưa lên Tân Sở 200 quân Cần Vương. Các thủ lĩnh
địa phương như Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như đã lấy Hà Thượng làm nơi tụ
nghĩa, chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với Pháp khi chúng cho quân đánh chiếm ra
Quảng Trị, gây cho chúng nhiều thiệt hại trong các trận Trạng Mè, Đò Lục...Đề
đốc Hoàng Văn Phúc mộ được 8 nghĩa quân cũng tổ chức đánh nhau với Pháp ở Cửa
Việt và hy sinh một cách anh dũng (1886).
Sau khi chiếm
được Tân Sở, quân đội Pháp đã cho đốt phá, hủy diệt căn cứ. Tân Sở chìm trong
biển lửa. Tất cả hầu như bị triệt hạ hoàn toàn. Trước đó ít ngày, Tôn Thất
thuyết đưa vua Hàm Nghi rời Tân Sở theo đường Cam Lộ để ra Bắc nhưng chiến hạm
của Pháp đã đổ bộ lên Đồng Hới chặn đường nên xa giá và đoàn tùy tùng phò vua
phải trở lại Tân Sở, sau đó mới vượt đèo 365 sang vùng Ba Lòng rồi lên Lào,
theo đường thượng lộ ra Bắc. Trong lúc nguy nan, trên đường bôn tẩu, vì không
chịu được gian khổ, đói rét nên phần lớn binh lính và dân phu đều bỏ trốn, một
số quan binh ra đầu thú với Pháp trở lại chỉ đường truy đuổi Hàm Nghi.
Tân Sở một công
trình thành lũy quân sự dã chiến, căn cứ phòng bị cho kinh thành khi thất thủ,
trung tâm đầu não lãnh đạo phong trào Cần Vương. Đó cũng là một công trình
thành lũy quân sự cuối cùng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trước khi cáo
chung. Ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, căn cứ Tân Sở là nơi chứng
kiến những ngày bi hùng của dân tộc, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai
cấp phong kiến quân chủ Việt Nam trong phong trào lãnh đạo dân tộc chống ngoại
xâm. Tân sở là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lữa của phong trào yêu nước
chống Pháp những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - tiền đề của phong trào
cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt
Nam, đế quốc Mỹ đã san ủi vùng Cùa, trong đó có Tân Sở, biến nơi đây thành một
căn cứ quân sự của chúng. Vì vậy, Tân Sở cho đến nay đã bị phá hủy hoàn toàn
chỉ còn lại một ít vòng thành bằng tre lờ mờ. Trên mặt bằng của căn cứ Tân Sở
xưa là những hố bom sâu hoắm của Mỹ để lại. Hiện nay khu đất này đã trở thành
đất trồng cây lâm nghiệp của dân địa phương. Căn cứ Tân Sở/thành Tân Sở - kinh
đô dự bị của triều đình nhà Nguyễn trong giai đoạn chống Pháp chỉ còn lại trong
ký ức.
Trong những năm qua, di tích căn cứ Tân Sở đã được Đảng bộ, chính quyền huyện Cam Lộ quan tâm đầu tư, trong đó Đền thờ vua Hàm Nghi được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 7/2020, song song với đó, huyện Cam Lộ cũng đã tổ chức lễ rước Long vị của Vua Hàm Nghi, Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết và Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường về an vị tại đền thờ theo phong tục của địa phương.
Đây là những công trình, hoạt động ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử ý nghĩa của địa phương cho thế hệ hôm nay
Hình 3: Hướng dẫn viên giới thiệu về căn cứ Tân Sở cho các học viên Trường Chính trị Lê Duẩn