Khu di tích này nằm cạnh trục đường 71
về phía Bắc trên địa phận xóm Ðông Ðịnh, làng Cam Lộ, thị trấn Cam Lộ; cách
quốc lộ 9 hơn 1km về phía đông bắc; cách trung tâm huyện lỵ Cam Lộ khoảng 2 km
về phía đông nam.
Hình 1: Đình Làng Cam Lộ
Ðình làng và chợ Phiên là sản phẩm song
sinh của hình thái sinh hoạt văn hóa và kinh tế của cư dân làng Cam Lộ từ khi
vùng đất này được hình thành và kiến tạo. Nguyên ủy của ngôi đình làng có quy
mô kiến trúc nhỏ bé, nằm trong khu vực có các miếu thờ thần Cao sơn, Cao các.
Khoảng giữa thế kỷ XVI đình làng Cam Lộ được chuyển về khu vực hiện nay. Năm
Gia Long 12 (1814), ngôi đình được dựng lại quy mô với kiểu dáng kiến trúc của
một ngôi nhà rường 5 gian, 2 chái khang trang và có tiếng là ngôi đình lớn
trong vùng.
Kiến trúc đình Cam Lộ hiện còn gồm 2
ngôi nhà ghép song ngang chia làm 2 phần: tiền đường và hậu liêu. Tiền đường là
một ngôi nhà làm kiểu mái bằng có sự kết hợp với một số chi tiết khác của một
kiến trúc truyền thống kiểu vài chồng. Hai phần chái thay bằng 2 mái đua đổ
bằng. Hậu liêu xây bít cả 3 phía. Hai đầu hồi xây tường phẳng, không có chái,
kết cấu kiểu vài chồng của một ngôi nhà rường nhưng chỉ phân bố 2 hàng cột.
Kiến trúc nhìn chung không có giá trị gì lớn về nghệ thuật.
Hình 2: Chợ Phiên huyện Cam Lộ
Chợ Phiên nằm trước mặt ngôi đình, trên
một khuôn viên non chừng 1ha. Ðây là một khu chợ nổi tiếng của vùng trị thiên
có từ thế kỷ XV - XVI. Nguyên xưa, chợ được nhóm họp ở cạnh bờ sông thuộc xóm
Ðông Ðịnh. Do bị hỏa hoạn và ngập lụt cho nên chợ được chuyển về trước mặt đình
và tồn tại từ đó cho đến ngày nay.
Chợ Phiên Cam Lộ hình thành do nhu cầu
trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược, giữa đồng bào kinh với các
nhóm dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị và các bộ lạc của nước bạn Lào. Nằm
bên bờ sông Hiếu, lại ở trên khu vực thuộc địa hình trung du, tiếp giáp giữa
vùng đồng bằng và miền núi nên chợ Phiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa,
thị trường giao lưu, trao đổi chính giữa miền xuôi với miền ngược thông qua cả
tuyến đường bộ lẫn đường thủy từ khá sớm trong lịch sử. Không chỉ thị trường
nội địa mà cả thị trường bên ngoài cũng thông qua tuyến lưu thông Cửa Việt -
Cam Lộ - Ai Lao để duy trì và phát triển luồng buôn bán, trao đổi. Ðặc biệt,
dưới thời chúa Nguyễn, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế
hợp lý, thị trường Quảng Trị nói riêng và Ðàng trong nói chung ngày càng thu
hút được nhiều nguồn hàng từ khắp các nơi trong đó có chợ Phiên Cam Lộ. Thuyền
buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha...vào Cửa Việt ngược theo sông
Hiếu lên; lái buôn và thương nhân các nơi như: Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Ai Lao) qua
cửa khẩu dinh Ai Lao sang và vùng Trấn Ninh, Quỳ Hợp (Thanh Nghệ) vào. Thông
qua việc trao đổi buôn bán giữa các vùng miền trong nước và quốc tế, chợ Phiên
Cam Lộ đã trở thành trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nhiều
cửa hiệu sầm uất. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện để hình
thành “con đường muối”, “con đường hương liệu” (trâu, voi, trầm hương, các đặc
sản lâm thổ sản, nông sản...) và chính nó là tiền thân của con đường 9 sau này.
Gọi là chợ
Phiên vì chợ nhóm họp theo phiên/kỳ. Cứ mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 3,
8, 13, 18, 23, 28 (âm lịch) cùng với cách thức trao đổi trong một không gian có
cả chợ lẫn đình đã làm cho chợ Phiên không chỉ thuần túy là một thị trường buôn
bán, mà còn là một không gian hoạt động văn hóa.
Khu vực chợ Phiên và đình làng Cam Lộ
trong cuộc kháng chiến chống Pháp là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử,
đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam
Lộ.
Năm 1928 một phân nhánh “Hưng nghiệp
hội xã” của tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” được thành lập ở Cam Lộ
do Hoàng Thị Ái (nữ đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị) phụ trách trực
tiếp giao dịch với Lê Thế Hiếu. Phân hội này đặt cơ sở tại chợ Phiên, mở một
quầy hàng bán tạp hoá để giao dịch và làm cơ sở tài chính, cơ sở liên lạc cho
Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Trị.
Tháng 1/1937, trong phong trào đòi dân
sinh dân chủ một cuộc biểu tình gồm 400 người dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ
Xuân Lưu (đảng viên Cộng sản) đã kéo nhau về chợ phiên trực tiếp gặp tri huyện
Hoàng Dũ Châu để đưa yêu sách đòi giảm thuế, xoá nợ, đòi tự do đi lại, hội họp,
ngôn luận ...
Ðầu năm 1938 tại cơ sở Ðồng Nguyên ở
chợ Phiên, các đảng viên và quần chúng cách mạng đã tổ chức một cuộc hội thảo
về các quyền tự do và bàn phương hướng tuyên truyền chính sách của Ðảng. Ngoài
ra, tại khu đình làng và chợ Phiên suốt thời kỳ 1945, Huyện uỷ Cam Lộ đã tổ
chức nhiều cuộc mít tinh, căng biểu ngữ, treo cờ Ðảng, diễn thuyết tuyên truyền
và phát động quần chúng đấu tranh.
Hình 3: Chợ Phiên Cam Lộ hiện nay
Khu đình làng và chợ Phiên Cam Lộ với
bề dày lịch sử văn hoá của nó rất xứng đáng với niềm tự hào của nhân dân Cam Lộ
nói riêng, Quảng Trị nói chung.