Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (6/1973 - 5/1975)


Cập nhật 12/04/2023 Lượt xem 359

Địa điểm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1973 đến tháng 5/1975) nằm ở thôn Tân Hòa thuộc địa phận thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; cách quốc lộ 9 hơn 200m về phía Bắc, cách thị xã Đông Hà 12km về phía Tây. Di tích đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QĐ-VH ngày 25 tháng 01 năm 1991.


Hình 1: Nhà làm việc của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là cơ quan quyền lực tập trung cao nhất đại diện cho cách mạng miền Nam, là khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn thể nhân dân miền Nam. Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ra đời từ Hội nghị hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt nam vào ngày 23/5/1969 và được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam (từ 6 - 8/6/1969) lập ra.

Hình 2: Đại hội thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 6-6-1969 tại Tây Ninh.

Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được thành lập là kết quả tất yếu của một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ và cực kỳ anh dũng của quân và dân miền Nam. Nó đánh dấu một bước thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Từ khi ra đời, Chính phủ CMLTCHMNVN đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh giành nhiều thắng lợi to lớn trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và phải chấp nhận ký hiệp định Paris, rút hết quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam, trả lại hòa bình cho nhân dân miền Nam. Từ ngày 6/6/1969 dến ngày 6/6/1973, trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam đóng tại một vùng căn cứ thuộc tỉnh Tây Ninh



Hình 3: Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (từ tháng 6/1969 là đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tham dự phiên khai mạc Hội nghị bốn bên về Hòa bình ở Việt Nam tại Pari ngày 25/1/1969. Ảnh: TTXVN

Giữa năm 1972, một phần lớn đất đai của tỉnh Quảng Trị đã được giải phóng, tình hình cách mạng miền Nam cũng đang phát triển nhanh chóng và hết sức thuận lợi thì việc xây dựng một khu trụ sở làm việc của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam ở một vùng giải phóng nhằm tạo ra bộ mặt mới về một trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam để có thể thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn đã được đặt ra cấp thiết. Chính vì thế, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban cố vấn Chính phủ cùng Chủ tịch Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam quyết định chọn địa điểm Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị để xây dựng một trụ sở làm việc của Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam.
          Bộ máy của Chính phủ bao gồm Chính phủ và Hội đồng cố vấn Chính phủ.
Chính phủ gồm: Chủ tịch: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Bác sĩ Phùng Văn Cung. Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và thanh niên: Giáo sư Nguyễn Văn Kiết. Phó Chủ tịch: Nguyễn Đóa. Bộ trưởng phủ Chủ tịch: Trần Bửu Kiếm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trần Nam Trung. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Nguyễn Thị Bình. Bộ trưởng Bộ kinh tế tài chính: Cao Văn Bồn. Bộ trưởng Bộ Văn hóa: Lưu Hữu Phước. Bộ trưởng bộ y tế, xã hội và thương binh: Dương Quỳnh Hoa.


Hình 4: KTS Huỳnh Tấn Phát (đứng giữa) được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu BTLSQG)

Hội đồng cố vần Chính phủ gồm: Chủ tịch: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Phó Chủ tịch: Luật sư Trịnh Đình Thảo. Các ủy viên Hội đồng cố vấn: Huỳnh Cương, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Huỳnh Văn Trí, nguyễn Công Phương, Lâm Văn Tết, Võ Oanh, Giáo sư Lê Văn Giáp, Nguyễn Đình Chi.


Hình 6: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie tháng 9/1973. Ảnh T.L

Tại đây ngày 6/6/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu đã tới dự, đại sứ của các nước đã làm lễ trình quốc thư. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của các nước anh em đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhân dân miền Nam như đồng chí Phiđen Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cu Ba, đồng chí Jorger Marsel - Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. Đồng thời Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm viếng, đặt quan hệ ngoại giao với một số nước trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ về mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Hình 7: Một số hình ảnh Các Đại sứ đến Trình Quốc thư đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ CMLTCHMNVN tại Cam Lộ, Quảng Trị (Ảnh: Nguyễn Duy Hùng)


Chấp hành các điều khoản trong Hiệp định Paris, Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam không chỉ đấu tranh trực tiếp với Mỹ - ngụy trong các hội nghị mà từ ngày 12/2 đến ngày 27/3/1973, đã tiến hành trao trả cho chính quyền Sài gòn 10 đợt với 5.298 nhân viên; 4 đợt cho chính phủ Mỹ 127 nhân viên quân sự và dân sự đã bị bắt ở miền Nam; cũng như tiếp nhận nhiều chiến sĩ của ta được trao trả ra vùng giải phóng tại các địa điểm trên sông Thạch Hãn.

Khu trụ sở Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam được xây dựng tại Cam Lộ trở thành biểu tượng cho tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của toàn thể nhân dân miền Nam. Từ khi ra đời, nó đã tập hợp được các lực lượng dân chủ xung quanh Chính phủ để tiến hành cuộc cách mạng đòi dân chủ và độc lập ở miền Nam. Lần đầu tiên trong vùng giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có trụ sở chính thức để làm việc, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, đại diện cho nhân dân miền Nam nói lên tiếng nói của mình. Chính phủ CMLTCHMN Việt Nam với những chiến lược, sách lược nhạy bén, sáng suốt đã lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Hình 8: Bia di tích trong khuôn viên trụ sở


  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: HUYỆN ĐOÀN CAM LỘ

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


Huyện Đoàn Cam Lộ: Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: 0533.871.331
- Email: huyendoancamlo@yahoo.com , tuoitrecamlo@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
0

Tổng truy cập
Tổng truy cập
0