Di tích Nhà tằm Tân Tường


Cập nhật 09/06/2023 Lượt xem 348

Di tích Nhà Tằm nằm trên tuyến đường Quốc lộ 9 thuộc địa phận thôn Tân Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, nhà Tằm là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, trong đó nổi bật nhất là sự ra đời của Chi bộ Tân Tường - một trong ba chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị vào ngày 20-4-1930.


Hình 1: Di tích lịch sử Nhà tằm Tân Tường

Sau khi phong trào Cần Vương tan rã, mảnh đất Cam Lộ trở thành nơi nhen nhóm tư tưởng yêu nước, chờ thời cơ đứng lên đấu tranh chống Pháp, tiêu biểu như: Nguyễn Hữu Đồng, Hồ Trọng Bá, Đỗ Doãn Võ, Lê Thế Vỹ; trong đó Lê Thế Vỹ có vai trò nổi bật. Lê Thế Vỹ là một nhà nho có tinh thần yêu nước, đã từng tham gia phong trào chống sưu  thuế năm 1908 và cuộc vận động chống Pháp của vua Duy Tân vào năm 1916. Trong quá trình hoạt động ông đã hai lần bị quân Pháp bắt giam. Sau khi ra tù, ông đã cùng với Nguyễn Hữu Đồng, Lê Mậu Bảo và Hồ Trọng Bá lên gây dựng cơ sở hoạt động bí mật ở vùng núi phía tây Cam Lộ. Quá trình hoạt động, ông nhận thấy vùng đất Cam Lộ là nơi thuận lợi để phát triển phong trào cách mạng lâu dài nên đã kêu gọi người dân ở làng Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong lên khai hoang và lập ra làng Tân Tường, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ ngày nay. Năm 1918, Lê Thế Vỹ lâm bệnh nặng và mất tại làng Tường Vân vào ngày 20 tháng 7 năm 1918.


Nhờ vị trí địa lý thuận lợi nên năm 1927, tiếp tục nối nghiệp của cha, Lê Thế Tiết vận động người dân làng Tường Vân lên Tân Tường khai hoang đất đai, lập nghiệp. Đồng thời, để tránh sự chú ý của chính quyền cai trị, Lê Thế Tiết hướng dẫn người dân tổ chức trồng dâu nuôi tằm theo phương thức sản xuất kinh doanh mới, nhưng thực chất là nơi quy tụ những người yêu nước ở Quảng Trị hoạt động chống Pháp và là cơ sở quyên góp tài chính ủng hộ những trí thức xuất dương tìm đường đánh Pháp. Nhà Tằm ra đời đã trở thành nơi hội tụ những người yêu nước theo tư tưởng duy tân và là nơi gặp gỡ, hội họp của những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Từ đó, tư tưởng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản được truyền bá, lan tỏa đến khắp các địa phương, hiệu triệu mọi người dân đứng lên đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ giữa năm 1929, tình hình phong trào cách mạng ngày càng cao, một số hội viên tiến bộ của tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên nhận thấy không còn phát huy vai trò nên chủ trương giải tán để thành lập tổ chức Đảng cộng sản mới. Đoàn đại biểu Bắc kỳ tuyên bố rút khỏi tổ chức Thanh niên (1-6-1929), thành lập Đông Dương cộng sản Đảng (17-6-1929). Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội Trung kỳ cũng tuyên bố giải tán thành lập Đông Dương cộng sản Đảng (10-6-1929). Trong thời gian này tại Quảng Trị, Nguyễn Đình Cương triệu tập hội viên Thanh niên bàn việc giải tán tổ chức Thanh niên, tích cực ủng hộ tổ chức cộng sản. Nhóm cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị gồm: Nguyễn Đình Cương, Đoàn Lân, Trần Hữu Dực, Trịnh Đức Tân, Hoàng Thị Ái, Nguyễn Đạm, Trần Ngung...1.

Tháng 6-1929, nhờ sự trung gian của Nguyễn Xuân Luyện, Lê Thế Tiết bắt liên lạc với Nguyễn Phong Sắc - đại biểu của nhóm Đông Dương cộng sản đảng. Ba đồng chí đã chọn Vạn Chài (nằm trên sông giữa 2 thôn Tường Vân và Lưỡng Kim) để thảo luận về việc chuyển Đảng bộ Tân Việt Quảng Trị thành Đảng bộ của Đông Dương Cộng sản đảng. Tại đây, Nguyễn Phong Sắc đã giao mẫu truyền đơn về việc kêu gọi thành lập Đảng cho Lê Thế Tiết in và phân phát rộng trong tỉnh và khu vực Trung kỳ. Ngày 20-6-1929, truyền đơn được rải đi khắp nơi từ Gio Linh, Đông Hà, Cam Lộ vào Triệu Phong, Hải Lăng. Truyền đơn của Đông Dương Cộng sản đảng nêu những nét cơ bản nhất về cách mạng dân tộc dân chủ, hướng tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thư của Đông Dương Cộng sản đảng gửi kèm cho các hội viên tổ chức Thanh niên đã phân tích tính chất cách mạng không triệt để của tổ chức này, vạch rõ mục tiêu, phương hướng đấu tranh cách mạng... Cuộc rải truyền đơn có ảnh hưởng vang dội đến các tầng lớp nhân dân khiến quan lại của chính phủ Nam triều hoảng hốt tìm mọi biện pháp đối phó và cho mật thám theo dõi nghiêm ngặt nhằm lùng bắt đảng viên và hội viên Thanh niên.

Sau vụ rải truyền đơn này, nhiều hội viên của Đảng Tân Việt và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị bắt, trong đó có Lê Thế Tiết. Tuy nhiên, lúc này, do Lê Thế Tiết là hội viên của Đảng Tân Việt nên chỉ bị giam một thời gian sau đó được thả. Trong thời gian bị bắt giam, Lê Thế Tiết đã tiếp xúc với nhiều hội viên tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nên càng hiểu rõ và cảm thông với hoàn cảnh của họ. Đồng thời, Lê Thế Tiết nhận thấy sự cần thiết phải đoàn kết tất cả những người cộng sản để đấu tranh chống kẻ thù chung và thành lập Đảng bộ Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng. Do vậy, sau khi ra tù, Lê Thế Tiết tìm mọi cách bắt liên lạc với những người cộng sản đang hoạt động bí mật để xây dựng lại tổ chức cách mạng trong toàn tỉnh.

Trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, thông qua cơ sở liên lạc của Đảng Tân Việt ở chợ Cầu, Lê Thế Tiết bắt nối được với Lê Viết Lượng - phái viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Tại sông Hiếu, trên một chiếc thuyền, Lê Viết Lượng, Lê Thế Tiết và Nguyễn Ổn đã họp bàn và quyết định tập hợp các phần tử tiên tiến trong Đảng Tân Việt và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tuyên truyền, giác ngộ để thành lập các tổ chức cộng sản. Cuộc họp này đánh dấu bước đầu khôi phục phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị kể từ sau cuộc khủng bố của chính quyền cai trị về việc rải truyền đơn.

Ngày 27-11-1929, Chi bộ An Tiêm - Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị thành lập do Đoàn Bá Thừa làm Bí thư. Chi bộ An Tiêm ra đời đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng ở Quảng Trị góp phần làm cơ sở, nền móng vững chắc để tháng 1-1930, Xứ ủy tiếp tục quyết định thành lập Chi bộ Tường Vân do Lê Thị Quế làm Bí thư. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã  tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng cơ sở đảng và thành lập các chi bộ đảng ở Quảng Trị. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thôi thúc Lê Thế Tiết tích cực hoạt động và tập hợp lực lượng chuẩn bị cho việc thành lập một số chi bộ Cộng sản.

Sau quá trình tích cực hoạt động và truyền bá tư tưởng của Đảng vào các tầng lớp nhân dân, nhất là các Đảng viên Đảng Cộng sản, nhóm những người cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đã nhận thấy phong trào cách mạng trên địa bàn phát triển mạnh mẽ và đạt đến thời điểm chín muồi, cần thiết phải có các chi bộ Đảng ra đời để hoạt động và lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi. Ngày 20-4-1930, tại nhà Tằm, Lê Thế Tiết đã trực tiếp chỉ đạo thành lập Chi bộ Tân Tường. Chi bộ gồm 6 đồng chí: Lê Thế Tiết, Nguyễn Hữu Mão, Phan Thị Hồng, Lê Thị Quế, Hoàng Thị Ái, Trương Sĩ Đản; trong đó, Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư 

Chi bộ Tân Tường ra đời chỉ sau Chi bộ An Tiêm và Chi bộ Tường Vân một thời gian ngắn nhưng đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng để kịp thời chỉ đạo phong trào hoạt động cách mạng trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Trải qua quá trình tôi luyện, Chi bộ Tân Tường ngày càng trưởng thành và phát huy tốt vai trò của mình trong việc chỉ đạo nhân dân Cam Thành đứng lên đấu tranh chống lại những âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và tay sai. Với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, quân và dân xã Cam Thành đã cùng nhau nổi dậy giành quyền lợi về kinh tế, chính trị góp phần tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiến hành tham gia tổng khởi nghĩa và tiến đến giành chính quyền.

Như vậy, sự ra đời của Chi bộ Tân Tường - một trong ba chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng không chỉ đối với phong trào cách mạng ở xã Cam Thành, mà còn là sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn trong suốt quá trình phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Đây chính là cơ sở, nền tảng cho sự hình thành các chi bộ khác trên địa bàn và là viên gạch hồng đầu tiên cho sự ra đời của Huyện ủy Cam Lộ vào tháng 5-1930. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển và đổi mới của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Cam Thành vẫn luôn chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, di tích nhà Tằm - địa điểm được chọn để thành lập Chi bộ Tân Tường đã được UBND huyện Cam Lộ quan tâm nâng cấp, tôn tạo lại một cách quy mô, xứng tầm với những giá trị vốn có của nó nhằm góp phần đưa di tích trở thành địa chỉ đỏ để nhắc nhở và giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng cho các thế hệ./.

Hình 2: Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo huyện Cam Lộ tham gia lễ viếng
tại Nhà Tằm Tân Tường


Hình 3: Tuổi trẻ khối Chi đoàn trực thuộc Huyện đoàn trao tặng ghế đá tại Di tích Nhà tằm Tân Tường



Hình 4: Xã đoàn Cam Thành tổ chức Lễ Kết nạp Đoàn viên tại Di tích Nhà tằm Tân Tường

  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: HUYỆN ĐOÀN CAM LỘ

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


Huyện Đoàn Cam Lộ: Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: 0533.871.331
- Email: huyendoancamlo@yahoo.com , tuoitrecamlo@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
0

Tổng truy cập
Tổng truy cập
0